Sử dụng hầm biogas để bảo vệ môi trường

Đó là ý tưởng sáng tạo độc đáo của dự án Nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường.

Do trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng Ánh Dương thực hiện tại 2 huyện Long Mỹ và Phục Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đây là 1 trong 30 dự án vừa đoạt giải Ngày Sáng tạo Việt Nam (VID) năm 2010 do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Phác thảo về mô hình hầm biogas

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng biogas

Chị Hoàng Thị Tố Trinh, tác giả của dự án nói trên chia sẻ: “Long Mỹ và Phục Hiệp là hai huyện nghèo nhất ở tỉnh Hậu Giang. Trước đây, chúng tôi đã từng giúp người dân làm biogas bằng cách thưởng cho họ một ít tiền nhỏ, nhưng không quan tâm đến việc giúp họ nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường với BĐKH. Sau khi biết được mục đích của chương trình VID năm 2010 với chủ đề BĐKH do WB tổ chức, chúng tôi nhận thấy, nếu cứ thưởng cho người dân một số tiền như vậy, chỉ ít người dân có điều kiện làm được biogas, số còn lại sẽ tiêu hết tiền. Trong khi đó, người dân nuôi heo ở hai huyện này thải phân ra kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì thế, mục tiêu của dự án là khuyến khích bà con nông dân làm biogas để bảo vệ môi trường”.

bể chứa biogas bằng vật liệu composite

Nâng cao nhận thức của nông dân về BĐKH

Thực tế cho thấy, BĐKH không còn là khái niệm mới với bà con nông dân. Song, làm cách nào để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH thì không phải người dân nào cũng biết. Vì thế, ý tưởng sáng tạo của dự án là nâng cao nhận thức của bà con nông dân về lợi ích của việc bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác hại của BĐKH gây ra. Theo đó, dự án sẽ lựa chọn, đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở để họ nâng cao nhận thức cho người nông dân về ảnh hưởng của BĐKH do ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, dự án cũng hướng dẫn kỹ thuật làm biogas để chính đội ngũ những tuyên truyền viên này hướng dẫn bà con ở đây thực hiện, với chi phí thấp nhất. Theo khảo sát của Trung tâm, kinh phí mua vật liệu làm biogas theo giá thị trường chỉ khoảng 1.200 nghìn đồng/bếp và dự án sẽ hỗ trợ 30% kinh phí để bà con làm biogas. Điều quan trọng hơn, khi dự án kết thúc, lực lượng tuyên truyền này có thể tiếp tục giúp người dân làm biogas.

Mục tiêu trước tiên của dự án là giảm thiểu tình trạng thải phân heo ra gây ô nhiễm các con kênh, dòng sông ở hai huyện này, thông qua việc khuyến khích người dân sử dụng biogas. Mục tiêu thứ hai là nâng cao kiến thức của mạng lưới tuyên truyền viên để truyền thông đến cộng đồng về BĐKH.

Vì thế chị Trinh cho rằng, việc hợp tác với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, ban ngành việc phát động thực hiện chương trình nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH do ô nhiễm môi trường là rất quan trọng. Đặc biệt, thông qua việc lựa chọn đội ngũ tuyên truyền viên là những người dân địa phương sẽ góp phần giúp dự án mang lại kết quả cao. Bởi hơn ai hết họ thông hiểu suy nghĩ, văn hóa, cách sống… của người dân địa phương để truyền thông một cách hiệu quả đến từng gia đình, khuyến khích họ sử dụng biogas để bảo vệ môi trường tự nhiên.

Theo moitruong.com